Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý cho các nông sản của Việt Nam vốn có mặt trên thị trường EU từ lâu mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác mới được EU biết đến thông qua Hiệp định.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một Hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hiệp định này, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp Việt) có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ dễ dàng hơn.
Những cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA sẽ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho các nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường châu Âu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột và mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn,… do được biết đến thông qua hiệp định. Việt Nam công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm). EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao).
Chia sẻ về Hiệp định này, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng các cam kết về sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ EU vào Việt Nam.
Thách thức sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ cho rằng các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng mang lại những thách thức nhất định. Đó là việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn, tức là thực thi sở hữu trí tuệ hà khắc hơn, có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, dụ như kiểm soát tại biên giới, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước cũng như những khó khăn, gánh nặng đối với cộng đồng doanh nghiệp khi thực thi.
Còn theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), không phải ngẫu nhiên mà sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA. Đồng thời, chương Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn hiệp định này.
“Chúng ta đều biết, EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới. Bởi lẽ đó, nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ rất cao và được thực hiện nghiêm ngặt. Chưa hết, EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này” – ông Linh phân tích.
Nói về vấn đề này, TS Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Một số ý kiến khác cho rằng, các DN chủ thể quyền và đại diện SHTT phải thay đổi nhận thức về SHTT, tích cực tham gia vào quá trình nội luật hoá quy định về SHTT, thúc đẩy tuyên truyền nội dung cam kết…
Đến thời điểm này, Bộ KH&CN đang hoàn thiện đồng thời nhiều nội dung thúc đẩy thực thi cam kết về SHTT trong EVFTA để có thể thực thi Hiệp định ngay sau khi được phê chuẩn. Đặc biệt, ngày 22/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó có nhiều giải pháp đưa hệ thống SHTT Việt Nam phát triển đồng bộ, hiệu quả.
Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ Tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.
- Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho chỉ dẫn địa lý Việt Nam