Được vạ, má đã sưng
“Khi thương hiệu vừa được hình thành, đang đặt trên bàn, nhưng chỉ cần một người nhìn thấy thì nó đã có khả năng bị đánh cắp”, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit chia sẻ về câu chuyện tranh chấp thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc hồi năm 2008.
Đối tác mà Vinamit tin tưởng giao quyền làm đại lý chính thức phân phối toàn bộ các sản phẩm, với doanh số nhận về hàng chục triệu USD mỗi năm lại chính là đối tượng muốn giành quyền sở hữu thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc. “Chúng tôi đăng ký bảo hộ thương hiệu dưới tên Vinamit và Đức Thành tại đây, nhưng sơ suất không làm điều đó với tên Đức Thành dưới phiên bản tiếng Hoa. Họ lợi dụng sơ hở này để cố tình giành lấy thương hiệu”, ông Viên nói.
Vinamit phải chứng minh đối tác này lợi dụng mối quan hệ để ăn cắp thương hiệu với hơn 20 bằng chứng, thậm chí ngay lập tức đăng tải các quyền sở hữu, câu chuyện thành lập… trên fanpage của Vinamit. Theo đuổi vụ kiện hơn 4 năm ròng rã, sau khoảng 20 phiên tòa, ông Viên được công nhận là chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu Đức Thành tại Trung Quốc. Ngân sách dành cho cuộc tranh chấp này không được công bố, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận chi trả để giành lại “đứa con tinh thần”.
“Không phải đến Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới hàng năm (26/4), chúng ta mới nói nhiều về quyền sở hữu trí tuệ. Cũng không nên chờ đến khi tài sản trí tuệ của mình bị xâm phạm mới tìm đến các biện pháp bảo vệ. Chi phí đăng ký (xác lập quyền) không là bao so với chi phí kiện tụng, tranh chấp với bên vi phạm”, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group chia sẻ.
Để mắt những dấu hiệu bất thường
Vinamit chỉ là một cái tên đang nối dài danh sách các thương hiệu Việt như Võng xếp Duy Lợi, Trung Nguyên, cafe Buôn Ma Thuột… vướng tranh chấp ở nước ngoài. Còn trong nước, chuyện Vincom – Vincon, Phở Hùng – Phở Ông Hùng, Nhựa Bình Minh – Ống nhựa Bình Minh, hay chuyện Mì Hảo Hảo – Mì Hảo Hạng vẫn sẽ là bài học cần được người lãnh đạo doanh nghiệp chú tâm hơn.
Kinh nghiệm chinh chiến thương trường của ông Nguyễn Lâm Viên, cùng nguồn tài chính vững mạnh mới có thể giúp vụ tranh chấp với đối tác Trung Quốc đi đến cái kết có hậu. Nhưng ở nhiều doanh nghiệp khác, không mạnh về tài chính và thiếu kinh nghiệm thì đành chịu ngậm đắng nuốt cay.
Trong các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp thì logo nhãn hiệu, phần mềm máy tính, concept kinh doanh trở thành những mục tiêu dễ bị xâm phạm nhất.
Theo luật sư Lộc, sau khi sở hữu trọn vẹn quyền tài sản trí tuệ, doanh nghiệp cần có chiến lược hóa quản trị tài sản trí tuệ – chuyển nhượng, nhượng quyền, ủy quyền khai thác, phát triển chuỗi kép… Và ở một số lĩnh vực, quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể quy thành giá trị thương mại trong các báo cáo tài chính dùng cho huy động vốn, M&A hay hợp tác kinh doanh.
Tuy nhiên, việc lựa chọn kết thân cùng đối tác nào cũng cần được tìm hiểu thấu đáo và sàng lọc kỹ càng, cũng như tránh để yếu tố cảm xúc vượt trên sự phân tích các điểm phù hợp của đối tượng với doanh nghiệp. Sự trung thực và chữ tín trở thành tiêu chuẩn căn bản dựa trên sự quan sát trong quá trình tìm hiểu. Và khi đã thiết lập được hợp tác, vẫn cần liên tục “để mắt” đến những biểu hiện bất thường của đối tác để chủ động ứng phó khi họ chuẩn bị lật kèo.
“Doanh số của việc trở thành đại lý phân phối của Vinamit giai đoạn đầu chỉ vài triệu USD thì họ chưa nghĩ đến việc giành quyền. Nhưng sau một thời gian dài hợp tác, họ đã quá hiểu về hoạt động kinh doanh của mình, với doanh thu chục triệu USD mỗi năm, lòng tham chiếm hữu sẽ xuất hiện”, ông Viên nói về các dấu hiệu của quá trình tranh chấp.
Theo Hồng Phúc