Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) quy định doanh nghiệp thực hiện dự án PPP được thành lập chỉ để làm dự án PPP mà không được làm dự án ở các lĩnh vực khác, nhằm tránh chuyện “hô biến” doanh thu giữa các dự án.
Nội dung trên được ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thư ký Ban soạn thảo – Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Đầu tư PPP nhấn mạnh tại Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo phương thức PPP” tổ chức sáng 8/11 tại Hà Nội.
Dự thảo Luật Đầu tư PPP đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Dự luật được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa các quy định tốt đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới.
Từ thực tiễn triển khai PPP, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc đã triển khai ổn theo các phương thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân).
Đối với quy mô đầu tư, dự án PPP có hợp đồng dài hạn, phức tạp nên chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao; do đó, các dự án PPP quy mô nhỏ sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính hay nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm tới các dự án có quy mô đủ lớn. Dự thảo Luật PPP được Quốc hội xem xét theo hướng quy định quy mô tối thiểu của các dự án PPP từ 200 tỷ đồng, Chính phủ sẽ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực.
Doanh nghiệp thực hiện dự án PPP có tên quốc tế là SPV với tính chất đặc biệt hoặc có mục tiêu duy nhất. Tại dự thảo Luật Đầu tư PPP, quy định doanh nghiệp làm dự án PPP được thành lập chỉ để thực hiện dự án PPP và không được làm các ngành nghề khác là hoàn toàn phù hợp với pháp luật doanh nghiệp, bởi pháp luật doanh nghiệp hiện nay quy định trong trường hợp pháp luật chuyên ngành cần quy định 1 loại hình doanh nghiệp đặc thù nào đó thì đều có thể quy định tại pháp luật chuyên ngành, ông Trương khẳng định.
Lý giải tại sao phải xây dựng quy định trên, ông Trương cho rằng nếu để doanh nghiệp dự án PPP làm thêm các dự án ở lĩnh vực khác thì doanh nghiệp có xu hướng dùng mánh lới kế toán để biến doanh thu của các dự án đó làm lỗ dự án PPP. Nhà nước sẽ thua thiệt nếu phải bù doanh thu cho dự án PPP lỗ, ngoài ra có rất nhiều khó khăn trong kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dự Luật Đầu tư PPP quy định doanh nghiệp làm PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng không được phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán, ông Trương cho biết. Doanh nghiệp PPP khi được thành lập xong có thể chuyển nhượng cổ phần hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp để giảm chi phí dự án. Trái phiếu doanh nghiệp là nguồn vốn thứ cấp và doanh nghiệp có thể dùng để vay ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng.
Đối với cơ chế bảo đảm của Chính phủ, có nhiều ý kiến băn khoăn dự án PPP là dự án đầu tư công hay tư nhân. Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, tính chất công – tư phải được kết hợp trong dự án PPP và không thể phân biệt công và tư.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì nhà nước phải có trách nhiệm (chia sẻ rủi ro) trong dự án PPP thì nhà đầu tư mới yên tâm. Nhà đầu tư không bao giờ muốn xảy ra rủi ro để hưởng phần chia sẻ từ phía nhà nước, ông Trương nhấn mạnh.
Riêng về cơ chế chia sẻ rủi ro, tại dự thảo Luật Đầu tư PPP, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế. Trước tiên là cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, nhưng cơ chế này không được áp dụng tràn lan mà chỉ áp dụng cho các dự án thực sự cần thiết như dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng.
Theo đó, doanh nghiệp có quyền mua ngoại tệ trên thị trường, khi không mua được ngoại tệ thì Nhà nước mới can thiệp và tối đa là 30% doanh thu, nhưng doanh thu đó phải trừ đi các chi phí phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Cơ chế này thực tế đã áp dụng cho các dự án BOT điện năng, ông Trương nói thêm.
Cơ chế thứ 2 là chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Trước đây các quốc gia quy định, nếu doanh nghiệp không đạt 80% doanh thu, chẳng hạn chỉ đạt 50% doanh thu thì nhà nước sẽ bù 30% doanh thu.
Tuy nhiên, điều này có thể gây áp lực cho cơ quan Nhà nước khi phải bù doanh thu. Bên cạnh đó, có thể xảy ra trường hợp nếu tính toán tổng mức đầu tư, đấu thầu… thì doanh nghiệp có thể đạt 80% rồi nhưng vẫn “làm nũng” để hưởng 30% doanh thu mà Nhà nước chia sẻ, ông Trương lo ngại.
Do đó, đối cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, tại dự thảo Luật, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế chia sẻ rủi ro. Cơ chế thứ nhất là Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Trong cơ chế thứ 2, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Ông Trương cho biết thêm, dự thảo Luật Đầu tư PPP đang gặp phải vấn đề là bố trí nguốn vốn cho dự án PPP. Trên thực tế, nguồn này có thể được bổ sung hàng năng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Điều đáng lo ngại là hiện rất nhiều nước hình thành quỹ cho đầu tư PPP để ứng phó với rủi ro xảy ra, nhưng các quỹ này lại hoạt động không hiệu quả.
Để tìm hiểu các thông tin về kế toán, đầu tư cũng như các vấn đề pháp lý khác, mời quý vị liên lạc với tư vấn Blue để được tư vấn miễn phí.
- Luật Đầu tư PPP hướng đến chặn các chiêu kế toán của nhà đầu tư