Hiện nay, các doanh nghiệp chưa tích cực thực hiện pháp luật kinh doanh mà rõ nét nhất là trong các lĩnh vực pháp luật về thuế, môi trường và lao động. Cụ thể như, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, xả thải gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra khá nhiều. Điều đó đặt ra nhu cầu có các biện pháp nhằm nâng cao tính tự giác trong thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.
Bài viết hôm nay của Tư vấn Blue tập trung phân tích các yếu tố tác động đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật kinh doanh ở Việt Nam hiện nay nhằm nâng cao việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.
Các yếu tố tác động đến việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp
1. Lợi ích của doanh nghiệp
Đây là yếu tố quan trọng nhất đối với mỗi doanh nghiệp bởi đây chính là mục tiêu, là động lực để doanh nghiệp tham gia vào thị trường, thực hiện các hành vi kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ tận dụng tối đa việc thực hiện pháp luật đem lại lợi ích cho mình như các chính sách miễn giảm thuế, chính sách thúc đẩy đầu tư, đồng thời hạn chế việc thực hiện pháp luật mà kết quả là ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, như: nộp thuế, thực hiện trách nhiệm với người lao động, bảo vệ môi trường…
2. Chất lượng của hệ thống pháp luật kinh doanh
Xây dựng pháp luật là hoạt động mô hình hóa hiện thực xã hội và nâng lên thành các quy tắc xử sự chung được đảm bảo bằng sức mạnh của nhà nước còn thực hiện pháp luật là đưa những mô hình đó vào cuộc sống. Chính vì vậy, chất lượng của hệ thống pháp luật với ý nghĩa là kết quả của quá trình xây dựng pháp luật có tác động mang tính quyết định đến thực hiện pháp luật nói chung, việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.
3. Trình độ ý thức pháp luật của doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.
Niềm tin vào pháp luật, vào lẽ công bằng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện pháp luật. Nếu doanh nghiệp tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp hợp pháp thì doanh nghiệp sẽ sử dụng các cơ chế đó thay vì thực hiện các hành vi trái pháp luật để bảo vệ các lợi ích của mình như sử dụng xã hội đen, dịch vụ đòi nợ xấu bất hợp pháp… Nếu doanh nghiệp tin tưởng rằng các hành vi vi phạm pháp luật thuế đều bị xử lý nghiêm minh thì doanh nghiệp sẽ tích cực hơn trong việc thực hiện pháp luật về thuế.
4. Các cơ chế điều chỉnh xã hội khác
Các cơ chế điều chỉnh xã hội khác bao gồm: đạo đức, dư luận xã hội, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước.
Doanh nghiệp cũng bị chi phối bởi yếu tố đạo đức khi quyết định hành vi thực hiện pháp luật kinh doanh bởi bên cạnh việc tự nhận thức về hành vi của mình, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc đến phản ứng của những chủ thể có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía dư luận xã hội, với sức mạnh điều hòa các mối quan hệ xã hội của mình, dư luận xã hội đóng vai trò bảo vệ các quyền lợi, các giá trị phổ biến của xã hội cũng như các giá trị, lợi ích cá nhân chính đáng của con người, khi xuất hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích đặc thù của nhóm xã hội, dư luận xã hội sẽ lập tức lên án, gây sức ép nhằm ngăn chặn hành vi đó. Do đó, việc sử dụng công cụ dư luận xã hội cũng tác động lên việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp.
Các tổ chức xã hội phi nhà nước hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp như các hiệp hội ngành nghề trong từng lĩnh vực cụ thể luôn có điều lệ hoạt động chung, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong hoạt động kinh doanh của mình mà còn thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực hiện pháp luật kinh doanh
Từ những phân tích trên có thể thấy, để nâng cao việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp, cần xác định các nhiệm vụ sau:
1. Nâng cao chất lượng pháp luật kinh doanh
Theo đó, phải đảm bảo các thuộc tính bao gồm tính toàn diện, tính đồng bộ, tính thống nhất, tính phù hợp, tính khả thi của pháp luật.
-Yêu cầu về tính toàn diện và đồng bộ của pháp luật kinh doanh: do đó, được hiểu là có các quy định đầy đủ để điều chỉnh các phương diện của hoạt động kinh doanh, từ sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.
Yêu cầu về tính toàn diện và đồng bộ càng đặt ra cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc xuất hiện các ngành nghề mới với các phương thức sản xuất, kinh doanh mới phải được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Nhất là trong giai đoạn mà khoa học công nghệ đang có những tiến bộ mạnh mẽ làm nền tảng cho rất nhiều phương thức kinh doanh mới.
-Yêu cầu về tính thống nhất: Tính thống nhất của pháp luật kinh doanh thể hiện ở sự thống nhất giữa các chế định, giữa các quy phạm pháp luật trong cùng chế định, không có trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các quy phạm pháp luật trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật kinh doanh.
-Yêu cầu về tính phù hợp: Tính phù hợp của pháp luật kinh doanh là sự tương thích giữa các quy phạm pháp luật với các quy luật khách quan của xã hội. Yêu cầu về tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện ở nhiều mặt, như phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm xã hội khác.
Chỉ khi pháp luật kinh doanh có các thuộc tính trên thì mới có tính khả thi trong thực tế.
2. Nâng cao trình độ ý thức pháp luật của doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp có sự tôn trọng pháp luật, doanh nghiệp sẽ tự giác, chủ động thực hiện các nghĩa vụ mà pháp luật quy định, kiềm chế thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm, đồng thời, sẽ có ý thức thực hiện đúng, đủ mà không phải là thực hiện một cách đối phó, gượng ép.
3.Sử dụng một cách hiệu quả các cơ chế điều chỉnh xã hội khác
Việc sử dụng các cơ chế điều chỉnh xã hội khác như đạo đức, dư luận xã hội, hoạt động của các tổ chức phi nhà nước đem lại hiệu quả cao, đồng thời có tác động bền vững và sâu rộng. Trong thời gian qua, có thể thấy sự ảnh hưởng của các cơ chế này đối với việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp như sức ép từ dư luận xã hội đối với việc thực hiện pháp luật phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư các nhà chung cư hay sự nhận thức về đạo đức kinh doanh cũng định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp…
Mọi vấn đề vướng mắc liên quan đến nâng cao việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp, quý vị hãy liên hệ Tư vấn Blue để được hỗ trợ tư vấn miễn phí.
- thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp